Phát hiện sớm rối loạn ngôn ngữ tạo tiền đề cho sự phát triển của trẻ
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em được chia thành hai loại: Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ và rối loạn về phát âm. Đối với trẻ bị rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ, bé sẽ có dấu hiệu chậm hiểu lời nói của mọi người. Những trẻ rối loạn về vấn đề phát âm sẽ khó bày tỏ những câu nói, suy nghĩ thông thường theo độ tuổi. Biểu hiện như: chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nói sai ngữ pháp, cách nói bất thường…
Các rối loạn ngôn ngữ khác như trẻ thường nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn… Nguyên nhân của những triệu chứng này thông thường do trẻ gặp một số vấn đề trong quá trình phát triển, rối loạn tâm lý.
![]() |
Phát hiện rối loạn ngôn ngữ sớm là tiền đề cho sự phát triển tốt sau này của trẻ (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân của những trường hợp này thường do trẻ gặp một số vấn đề trong quá trình phát triển như rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ, nhiễm trùng viêm tai mạn tính hoặc rối loạn về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, một nguyên nhân đáng báo động là gia đình thiếu sự quan tâm, ít trò chuyện với trẻ. Mặt khác, nhiều gia đình chủ quan, đến khi phát hiện trẻ mắc bệnh thì tình trạng đã trở nên nghiêm trọng.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp mà cha mẹ không khuyến khích giao tiếp, trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu mình, thụ động, thiếu tự tin, kém hòa nhập.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em, biện pháp quan trọng hàng đầu là các bậc phụ huynh nên hạn chế việc cho trẻ từ 0-3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại...
Vì đây sẽ là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình. Cùng với đó, tăng cường cho trẻ giao tiếp trực tiếp nhằm cho trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến yêu cầu và ước muốn của trẻ. Cho trẻ tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn trẻ nghe, nói chuẩn lời, từ ngữ... giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ đúng.
Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ. Gia đình cần quan tâm và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ để có những can thiệp sớm, giúp trẻ khắc phục và phát triển, dễ dàng tiếp thu kiến thức trong học tập và trở nên mạnh dạn hơn trong các giao tiếp xã hội.
source https://netbiz.net.vn/phat-hien-som-roi-loan-ngon-ngu-tao-tien-de-cho-su-phat-trien-cua-tre-1994.html
Nhận xét
Đăng nhận xét